Ớt khô xuất khẩu châu Âu cần tiêu chuẩn gì?

Châu Âu (liên minh EU) là thị trường nhập khẩu ớt khô thứ 2 thế giới, sau châu Á. Nhập chủ yếu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Ethiopia, Sri Lanka, Pakistan. Trong đó, Trung Quốc là luôn là quốc gia có sản lượng lớn nhất.

Năm 2021, với kim ngạch xuất khẩu ớt khô của Trung Quốc đạt 211 nghìn tấn, 32% số này là xuất sang châu Âu.

Tuy rất cạnh tranh về giá nhưng ớt khô Trung Quốc lại được các nước EU (đặc biệt Tây Ban Nha) đánh giá cao về chất lượng.

Châu Âu nhập khẩu ớt khô phục vụ cho các nhu cầu như:

  • Bán lẻ.
  • Dịch vụ ăn uống.
  • Nguyên liệu thực phẩm (phân khúc phụ gia).
  • Làm nguyên liệu ngành chế biến thực phẩm.

Theo thống kê, Tây Ban Nha là nước nhập khẩu ớt khô lớn nhất Châu Âu, chiếm 28% (2021), cũng là quốc gia sản xuất ớt khô thứ 3 thế giới (sau Ấn Độ, Trung Quốc).

Tiêu chuẩn xuất khẩu ớt khô Châu Âu được cho là “khó tính” nhất thế giới, cụ thể thế nào, hãy cùng Ớt Kiều tìm hiểu bạn nhé.

Ớt khô đạt tiêu chuẩn gì thì được xuất sang Châu Âu?

Ngoài các yêu cầu về chất lượng (giới thiệu ở phần sau) thì ớt khô cần đáp ứng các yêu cầu sau đây.

#1. Tuân thủ Luật thực phẩm của EU

  • Phụ gia phải được phê duyệt.
  • Dư lượng thuốc trừ sâu, hàm lượng độc tố, nấm mốc, chất bảo quản quá mức đều bị cấm.
  • Nhãn mác phải ghi thông tin có chứa chất gây dị ứng hay không.

#2. Quy định riêng biệt với từng quốc gia

Trong trường hợp hợp cần thiết, không thể tuân thủ hoàn toàn Luật thực phẩm phải báo cáo riêng lẻ thông qua hệ thống RASFF.

Hiện nay, có khoảng 5 thông báo liên quan đến nhiễm aflatoxin đối với ớt khô các nước, cụ thể:

  • Trung Quốc: 20% tất cả các lô hàng ớt khô phải được kiểm tra sự hiện diện của vi khuẩn Salmonella.
  • Ethiopia: Phải kiểm tra về sự hiện diện của aflatoxin trong 50% tất cả các lô hàng ớt khô.
  • Ấn Độ: 20% của tất cả các lô hàng ớt khô phải được kiểm tra aflatoxin.
  • Sri Lanka: Kiểm tra chính thức về sự hiện diện của aflatoxin trong 50% tất cả các lô hàng ớt khô.
  • Pakistan: 50% tất cả các lô hàng hỗn hợp gia vị phải được kiểm tra sự hiện diện của aflatoxin.

#3. Kiểm soát ô nhiễm

Quy định của Ủy ban Châu Âu giới hạn mức tối đa cho một số chất gây ô nhiễm trong các sản phẩm thực phẩm, trong đó có ớt khô.

Độc tố nấm mốc:

  • Mức aflatoxin B1: Tối đa 5 μg/kg.
  • Aflatoxin tổng số (B1, B2, G1 và G2): ​​Tối đa 10 μg/kg.
  • Đối với ochratoxin: Tối đa 15 μg/kg.

Dư lượng thuốc trừ sâu:

  • Liên minh Châu Âu đã đặt mức dư lượng tối đa (MRL) cho thuốc trừ sâu trong và trên các sản phẩm thực phẩm.
  • EU thường xuyên công bố danh sách các loại thuốc trừ sâu đã được phê duyệt và được phép sử dụng.
  • Các sản phẩm chứa nhiều dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hơn mức cho phép sẽ bị rút khỏi thị trường châu Âu.

Tuy nhiên, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quá mức không thường xảy ra trong thương mại ớt khô.

Ô nhiễm vi sinh:

  • Loại ô nhiễm vi sinh phổ biến nhất đối với ớt khô là sự hiện diện của Salmonella.
  • Nếu xông hơi khử trùng, chỉ dùng những chất khử trùng đã được phê duyệt chính thức, đặc biệt methyl bromide và ethylene oxide không được dùng.
  • Nên xử lý nhiệt để khử vi sinh trùng thay vì xông khói hay dùng hóa chất.

Thành phần phụ gia:

  • Các loại phụ gia thực phẩm thường được sử dụng trong sản xuất ớt khô là chất bảo quản, chất tạo màu (như thuốc nhuộm Sudan 1) và chất chống đông vón (trong bột ớt).
  • Người mua và cơ quan chức năng Châu Âu có thể từ chối sản phẩm nếu chúng có hàm lượng chất bổ sung không được khai báo, trái phép hoặc quá cao.

Thành phần tạp chất:

  • Tỉ lệ tạp chất trong ớt khô, ớt xay ở mức tối đa 1%.
  • Tạp chất trong ớt xay như bột mì, vỏ trấu, bột gạo, mùn cưa,… đều xem là bất hợp pháp (nếu cố ý và không khai báo).
  • Sản phẩm có lẫn tạp chất là kém chất lượng, giả mạo và gian lận.

#4. Yêu cầu về đóng gói và nhãn mác

Bao bì dùng cho ớt khô phải bảo vệ được hương vị, màu sắc và các đặc tính chất lượng khác của sản phẩm.

Nội dung của bao bì phải tương ứng với số lượng nội dung ghi trên nhãn. Nội dung trên nhãn có chữ tối thiểu 1.2mm, bằng ngôn ngữ của quốc gia sử dụng, bao gồm:

  • Thành phần dinh dưỡng.
  • Nguồn gốc xuất xứ.
  • Nơi đóng gói.
  • Nguy cơ gây dị ứng hay không.

Và các thông tin khác theo quy định của Liên minh Châu Âu và yêu cầu của đơn vị nhập khẩu.

Tiêu chuẩn ớt khô xuất khẩu châu Âu theo nhu cầu người mua

Bên cạnh các quy định khắt khe của luật pháp, ớt khô cần đảm bảo các yêu cầu của đơn vị nhập khẩu.

Yêu cầu tối thiểu đối với ớt khô là phải còn nguyên vẹn và không nhiễm độc tố và không lẫn tạp chất, hóa chất.

Nhìn chung đều lấy trọng tâm từ các quy định thịnh hành của cơ quan luật pháp tại EU.

#1. Yêu cầu chất lượng

Độ ẩm:

  • Độ ẩm tối đa đối với ớt khô nghiền và xay là 11%.
  • Độ ẩm tối đa đối với ớt nguyên quả thay đổi tùy theo loại ớt thương phẩm từ 9% (đối với ớt De árbol) đến 13,5% (đối với ớt Guajillo và Pasilla) theo tiêu chuẩn của UNECE.

Độ sạch:

  • Ớt phải không có bệnh, tạp chất, mùi lạ và bất kỳ dấu hiệu bất thường nào khác.
  • Hiệp hội Gia vị Châu Âu (ESA) đề xuất rằng lượng tạp chất bên ngoài không được vượt quá 1%.
  • Sự hiện diện của côn trùng chết, chất bài tiết, tạp chất và hư hỏng do nấm mốc hoặc côn trùng ở mức tối đa là 75 mảnh trên 25g (theo ASTA).

Màu sắc:

  • Màu sắc của ớt khô, ớt bột thường được lấy theo ASTA.
  • Bột ớt chất lượng cao phải có giá trị đơn vị ASTA cao hơn 120.

Độ cay:

  • Ớt ngọt có hàm lượng capsaicin dưới 30 µg/g.
  • Mức độ cay dao động từ 900-3000 SHU (Scoville ) đối với ớt nhẹ (chẳng hạn như ancho) đến > 100000 đối với ớt cực cay (chẳng hạn như habanero).

Kích thước cánh (ớt xay):

  • Kích thước thực tế của bột hoặc vảy được đo bằng micromet hoặc số lưới.
  • Số lượng lưới là số lượng sợi trong mỗi cm.
  • Kích thước mắt lưới lớn hơn biểu thị các hạt nhỏ hơn, trong khi mắt lưới nhỏ hơn biểu thị hạt có kích thước lớn hơn trong sản phẩm cuối cùng.
  • Lưới mảnh vụn phổ biến nhất là từ 5 đến 8.

Kích thước, chất lượng: 

  • Ớt khô nghiền và xay thường được phân thành 4 loại chất lượng.
  • Ớt khô nguyên trái được phân thành 3 loại chất lượng trong đó kích cỡ được quy định cho 9 loại ớt thương mại theo tiêu chuẩn UNECE.
  • Hoặc theo bảng phân loại theo từng loại ớt dưới đây:
Tên ớt Phân loại Chiều dài (cm)
Pasilla Extra > 20
Pasilla Class I > 14
Pasilla Class II < 14
Guajillo Extra > 14
Guajillo Class I > 10
Guajillo Class II < 10
Puya Extra > 10
Puya Class I > 8
Puya Class II < 8
Ancho, Mulato Extra > 10
Ancho, Mulato Class I > 7
Ancho, Mulato Class II < 7
De árbol Extra > 9
De árbol Class I > 8
De árbol Class II < 9

#2. Chứng nhận an toàn thực phẩm

Mặc dù theo luật của EU không yêu cầu loại chứng nhận này nhưng hầu hết các nhà nhập khẩu Châu Âu đều yêu cầu. Thường là chứng nhận bởi:

  • Tiêu chuẩn quốc tế IFS.
  • Tiêu chuẩn Toàn cầu của Hiệp hội Bán lẻ Anh (BRCGS).
  • Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000).
  • Hoặc các chứng nhận tương đương khác, dựa trên các tiêu chuẩn ISO, hiện nay là ISO 22000.

#3. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Đôi khi các nhà mua hàng châu Âu cũng yêu cầu các bằng chứng trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ớt khô. Chẳng hạn:

  • Quy tắc trao đổi dữ liệu đạo đức của nhà cung cấp (SEDEX).
  • Sáng kiến ​​kinh doanh có đạo đức (ETI).
  • Hoặc quy tắc ứng xử của Sáng kiến ​​tuân thủ xã hội doanh nghiệp (BSCI).

#4. Quy cách đóng gói

Bao bì:

  • Ớt khô xuất khẩu được đóng gói trong thùng carton, bao đay hoặc bao polypropylene.
  • Kích thước của bao bì thay đổi tùy theo yêu cầu của người mua nhưng thường dao động trong khoảng từ 3 – 40kg nhưng phổ biến nhất là 20 hoặc 25kg.
  • Ớt khô cần được bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời, nóng, ẩm, côn trùng và các động vật khác.

Nhãn mác:

  • Tên sản phẩm.
  • Chi tiết của nhà sản xuất (tên và địa chỉ).
  • Số lô.
  • Ngày sản xuất.
  • Nước sản xuất.
  • Nước gia công.
  • Ngày thu hoạch (tháng / năm).
  • Khối lượng tịnh.

Các thông tin khác mà các quốc gia xuất khẩu và nhập khẩu có thể yêu cầu bao gồm:

  • Mã vạch.
  • Nhà sản xuất hoặc nhà đóng gói
  • Cách truy xuất nguồn gốc của sản phẩm.

Giá ớt khô xuất khẩu Châu Âu

Giá thay đổi thường xuyên theo nhu cầu thị trường. Để cập nhật giá ớt khô xuất khẩu châu Âu có thể tham khảo các cổng thông tin:

  • IHS Markit.
  • Mitec.
  • Hội đồng gia vị Ấn Độ,…

Kết

Theo tìm hiểu của Ớt Kiều, ớt khô Việt Nam vẫn chưa được EU đồng ý nhập khẩu theo đường chính ngạch.

Tuy vậy, cũng có không ít đơn vị xuất khẩu sang Châu Âu theo cách gián tiếp, thông qua việc cung cấp cho Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước châu Á khác.

Hi vọng nội dung bài viết này sẽ giúp ích cho bạn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *